Ninh Bình thường được ví như “kinh đô đá ngàn năm” với Núi là thần, sông là đường, hang động là cung điện. Quả đúng như vậy, nơi đây có hệ thống hang động tự nhiên hết sức đa dạng với niên đại hình thành từ 6.000 đến 32 triệu năm. Hãy cùng khám phá lịch sử cổ đại qua hành trình bước vào “trái tim của đất Mẹ” và tìm hiểu những cái nhất của hệ thống hang động nơi đây.
1. Động Vái Giời – Hang động lớn nhất
Được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ 10, Động Vái Giời là hang động tự nhiên có niên đại lâu vào bậc nhất của khu vực. Như thường thấy ở nền văn minh lúa nước, cái nhìn của con người về thiên nhiên luôn gắn liền với các câu truyện tâm linh và sức mạnh siêu nhiên. Cùng với trí tưởng tượng phong phú, người dân nơi đây cho rằng không gian trong động chia thành ba tầng tượng trưng cho ba cõi: Thiên Đường, Trần Gian và Địa Ngục.
Bước qua cửa hang động chính là tầng “Trần gian”. Nơi đây ngập tràn những dải măng nhũ đá nhẵn mịn, xếp bằng tựa hồ như cuộc sống đời thường bình dị, quen thuộc của con người.
Tiếp tục bước theo các bậc đá đi xuống, du khách sẽ nhìn thấy khối nhũ đá sừng sững hai bên đường – được ví như chú chó ngao canh giữ cổng Địa Ngục. Từ đây, “tầng Địa Ngục” cũng dần hiện ra với “cây cầu Nại Hà”, “ngai Diêm Vương” cùng với “lưỡi đao Tử thần” và “khối Tam sinh thạch”, hay “vạc dầu biển lửa”… thêm vào đó là sự lạnh lẽo kỳ lạ và bóng tối âm u huyễn hoặc bao trùm, nơi đây như tái hiện sống động khung cảnh của thế giới dưới lòng đất.
Vượt qua dòng thác để gột sạch bụi trần, một chiếc cầu thang sắt hẹp sẽ đưa du khách lên đến tầng “Thiên Đường”. Tại đây, ta bắt gặp hình ảnh Tiên ông bên cuốn sổ sinh tử, phục dưới chân là khối nhũ đá được ví như Voi chầu hổ phục. Du khách sẽ ngạc nhiên trước sự tuyệt diệu của tạo hóa khi khéo léo làm nên những dải mây uốn lượn mềm mại, bầu trời lấp lánh ánh sao hay bức tượng đá hình Voi phục. Tầng Thiên Đường được coi là cõi cực lạc linh thiêng nơi có ngai thờ Phật tôn nghiêm. Khi đến đây, đừng quên cúi đầu chắp tay, thành tâm cầu nguyện những điều may mắn đến cho bản thân và gia đình. Đặc biệt hơn nữa, ở tầng Thiên Đường có một cổng trời thông ra ngoài, nơi có tầm nhìn bao quát có thể quan sát toàn bộ phong cảnh thung lũng tuyệt đẹp phía dưới.
Với diện tích rộng đến 5000m2 cùng với lịch sử hình thành từ lâu đời, Động Vái Giời không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan hay địa chất địa mạo mà còn là vùng đất linh thiêng trong thế giới tâm linh của người dân địa phương. Tương truyền rằng ở nơi đây khi xưa, người dân Hoa Lư đã lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Nơi đây được coi là nơi giao thoa của trời đất, âm dương hòa hợp.
2. Hang Bụt – hang động nguyên sơ nhất
Hang Bụt là hang động xuyên thủy dài 500m, dẫn từ Thung Nham đến Động Thiên Hà, nối liền hai huyện Hoa Lư và Nho Quan. Với vị trí địa lí đặc biệt, hang Bụt ẩn hiện qua làn nước xanh màu ngọc bích cùng những truyền thuyết được dệt nên qua bao đời dân sinh.
Tích xưa kể lại, trước đây, hang Bụt là con đường độc đạo để dẫn đến vùng thung lũng màu mỡ, phì nhiêu. Vào những năm mất mùa đói kém, những người đàn ông trụ cột trong gia đình đã phải liều mạng vượt qua khu rừng rậm và những vách đá cao chót vót của núi Tượng để tìm kiếm thức ăn. Một năm nọ sau trận lụt lớn, cư dân địa phương phát hiện ra cửa hang sâu thẳm. Xong, sợ hãi trước bóng tối và những nguy hiểm rình rập, rất ít người dám mạo hiểm đi sâu vào trong hang. Cho đến một ngày, người dân gặp một ông lão có dáng vẻ hiền hậu, râu tóc bạc phơ. Ông chỉ dẫn họ cách đi qua hang Bụt và đưa họ đến bên kia bờ an toàn. Từ đây mở ra trước mặt họ là một vùng đất hứa đầy màu mỡ. Người dân vui mừng khôn tả, quay lại toan tạ ơn ông lão thì đã không thấy lão đâu nữa. Ở ngay nơi ông vừa đứng chỉ còn thấy một bức tượng đá bệ vệ có hình hài giống hệt ông. Dân làng tin rằng ông lão chính là Đức Phật trên trời giáng xuống để cứu dân độ thế. Cũng từ đó, người dân hết lòng thờ phụng ông và đặt tên cho hang này là Hang Bụt.
Ngày nay, trong hang còn lưu lại bức tượng ông Bụt bằng đá tự nhiên cùng câu thơ:
“Thân là tượng đá ngồi đây
Thuyết xưa truyền lại lâu ngày thành danh
Tên là lão Bụt hiền lành
Ai cầu lão giúp, phước lành lão ban.”
Để tham quan hang Bụt, du khách ngồi thuyền xuôi theo dòng sông Bến Đang nước xanh màu ngọc bích.
Ngay khi thuyền nhẹ lướt qua cửa hang, ta sẽ nhìn thấy nàng tiên đá đang nằm trên giường ngọc với mái tóc xõa dài và tấm rèm óng ánh buông mềm mại. Từ đây, những dải lụa mình rồng, tượng voi phục, giàn hoa thiên lý, trái đào tiên… dần dần hiện ra trước mắt quý khách theo trí tưởng tượng bay bổng như lạc vào chốn Tiên.
Trải qua hàng nghìn năm “trạm khắc” của bàn tay tạo hóa, nơi đây như một bảo tàng nghệ thuật thiên nhiên tuyệt đẹp đầy thú vị.
Theo nghiên cứu hang Bụt là một hang động sống bởi sự phát triển của các lớp địa chất vẫn đang diễn ra. Hiện tại, các lớp địa chất trong hang vẫn đang phát triển với sự tồn tại song song các dải măng nhũ đá sống và đá chết. Đặc biệt, nơi đây hầu như còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ với hàng trăm con dơi sinh sống.
3. Động Tiên Cá – Hang động xuyên thủy đẹp nhất
Động Tiên Cá là hang động tự nhiên có chiều dài khoảng 500m, nơi rộng nhất khoảng 40m, nơi cao nhất 30m.
Du khách sẽ đi bộ theo cây cầu tre uốn lượn trải dài trong lòng núi để khám phá hang động. Mang vẻ đẹp bí ẩn và huyền ảo, Động Tiên Cá được đánh giá là hang động xuyên thủy đẹp nhất tại Thung Nham.
Động có tên gọi là “Động Tiên Cá” vì cảnh quan kì vĩ trong hang cùng dòng suối ngầm mát lạnh khiến người ta hình dung đến khung cảnh dưới đáy đại dương. Không gian trong động là lớp lớp những khối thạch nhũ lấp lánh được thiên nhiên bày trí/ sắp xếp tinh tế như một cung điện nguy nga tráng lệ – nơi có Vua thủy tề và các nàng tiên cá sinh sống. Hình thái phát triển của măng nhũ trong động cũng có những điểm trùng hợp ngẫu nhiên như: rặng san hô, dải thác kim cương, cá heo, đầu voi, cá sấu… Sự kỳ diệu của động Tiên Cá chính là vẻ đẹp của các nhũ đá và những giọt nước tí tách chảy quanh năm
Trước khi có tên gọi động Tiên Cá, nơi đây từng được gọi là “hang Cá” vì là nơi quần tụ của hai đàn cá quý là Cá tràu Tiến vua và cá Rô Tổng Trường. Đây là hai loài cá sống trong điều kiện nước lạnh, mạch nước núi đá vôi. Vào tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch quý khách tham quan có thể quan sát được đàn cá lớn bơi lội dưới suối vì nước trong hang rất trong. Tương truyền cá Tràu Tiến Vua và cá Rô Tổng Trường là hai loại cá đặc biệt quý hiếm và thơm ngon, xưa kia người dân khi bắt được chúng thường đem dâng lên Đức Vua, chỉ có đấng Quân Vương mới được thưởng thức loại cá này.
Nguồn: thungnham.com