Đón Tết Miền Bắc: Nét đặc trưng riêng của Tết Miền Bắc
Khi nhắc đến Tết miền Bắc, người ta sẽ nghĩ ngay đến “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Đặc biệt, cách chưng mâm ngũ quả và bày biện mâm cỗ của người dân miền Bắc sẽ có sự khác biệt so với miền Nam. Để hiểu rõ hơn về nét đặc trưng trong phong tục ngày Tết miền Bắc, hãy cùng Savaco Tourist theo dõi bài viết dưới đây.
Phong tục đặc trưng riêng ngày Tết miền Bắc
1. Phong tục chưng đào, chưng quất ngày Tết
Nếu như Tết miền Nam thường chưng mai thì miền Bắc lại đặc trưng với những cành đào hồng thắm, khoe lộc mơn mởn. Ngay từ đầu tháng chạp, khắp mọi nẻo đường đã bắt đầu bày bán hoa đào. Nhà nào cũng chọn cho mình một gốc đào đẹp để đón Tết Nguyên Đán. Người dân miền Bắc thường “chơi” đào bởi loài hoa này thích hợp với khí hậu se lạnh, đồng thời, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn và sung túc cho năm mới.
Bên cạnh hoa đào, chưng quất cũng là một nét đặc trưng của ngày Tết miền Bắc. Theo quan niệm xưa, những chậu quất xum xuê, sai trĩu trái sẽ mang đến tài lộc và vượng khí cho gia đình.
Phong tục chưng đào ngày Tết tại miền Bắc (Nguồn: Internet)
2. Phong tục dựng cây nêu ở miền Bắc
Người dân miền Bắc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thường sẽ dựng cây nêu trong ngày Tết. Theo quan niệm ngày xưa, từ ngày 23 tháng chạp, các chư vị thần linh sẽ chầu trời, ác quỷ sẽ bắt đầu quấy phá. Việc dựng nêu sẽ bảo vệ cuộc sống bình yên của mọi nhà, xua đuổi tà ma. Ngoài ra, những gia đình làm nông còn dựng nêu để cầu mong năm mới ấm no, mưa thuận gió hòa.
Cây nêu thường được làm từ tre, dài khoảng 6 mét. Phía trên ngọn tre thường treo lọng tàn, có 5 con cá chép với 5 màu khác nhau, đại diện cho ngũ hành. Ngoài ra, ở một vài địa phương sẽ treo đèn lồng hoặc câu đối đỏ để hy vọng năm mới may mắn, vạn sự như ý.
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết cầu may ở miền Bắc (Nguồn: Internet)
3. Phong tục thả cá, cúng ông Công ông Táo
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân miền Bắc sẽ làm mâm cỗ để tiễn đưa ông Công, ông Táo chầu trời. Chư vị thần linh này sẽ thay mặt gia chủ báo cáo với Ngọc Hoàng về những công việc trong năm. Mâm cúng ông Công, ông Táo thường có đồ vàng mã, hoa quả và cỗ mặn. Đặc biệt, người dân sẽ mua cá chép sống và phóng sinh để giúp ông Công, ông Táo vượt vũ môn, lên thiên đình.
Ông Công, ông Táo là những vị thần cai quản nhà cửa, ngăn chặn ma quỷ quấy quá. Vì vậy, người dân miền Bắc quan niệm rằng, cúng ông Công, ông Táo còn mang ý nghĩa cầu mong năm mới bình an, ấm no đủ đầy.
Phong tục thả cá phóng sinh ngày Tết miền Bắc (Nguồn: Internet)
4. Phong tục bày mâm ngũ quả ngày Tết
Trong dịp Tết đến Xuân về, mọi gia đình đều chưng mâm ngũ quả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong năm mới an lành. Khác với cầu - dừa - đủ - xoài của miền Nam, mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành.
Đặc biệt, trên mâm ngũ quả miền Bắc không thể thiếu chuối và bưởi (hoặc quả phật thủ). Chuối xanh tượng trưng cho hành mộc, mang ý nghĩa sung túc, sự che chở và viên mãn. Còn quả phật thủ hay bưởi có màu vàng, tượng trưng cho hành thổ, giúp đem lại cho gia chủ một năm mới phúc lộc, tấn tài.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc (Nguồn: Internet)
5. Phong tục gói bánh chưng đón Tết cổ truyền
Với người dân miền Bắc, không có thịt mỡ, dưa hành và bánh chưng thì chưa phải là Tết. Vì vậy, khoảng từ ngày 27 tháng chạp, mỗi gia đình sẽ cùng nhau quây quần gói bánh chưng, ngồi canh bánh chín bên bếp lửa hồng. Những chiếc bánh chưng vuông vức giúp mọi người thể hiện lòng tôn kính với đất trời và tổ tiên, dần trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong mỗi dịp Xuân về.
Nấu bánh cổ truyền vào ngày Tết ở miền Bắc (Nguồn: Internet)
6. Phong tục xông đất vào ngày ở Tết miền Bắc
Trong thời khắc đầu tiên của năm mới, người đầu tiên bước vào nhà chính là người xông đất, giúp gia đình cầu may mắn, bình an trong năm mới. Thông thường, những người được mời xông đất phải hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ.
Cũng chính vì tục xông đất này mà người dân miền Bắc thường tránh đi chúc Tết vào sáng sớm mùng 1. Bởi nếu vô tình trở thành người xông đất, không hợp ý gia chủ thì có thể mang đến những điều kém may mắn.
Tục xông đất ngày đầu năm mới (Nguồn: Internet)
7. Phong tục lì xì đầu năm mới ở miền Bắc
Lì xì là một nét đẹp trong văn hóa ngày Tết của người Việt, không riêng gì miền Bắc. Trong mỗi dịp Xuân về, mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, những phong bao lì xì đỏ thắm. Con cháu chúc thọ ông bà, người lớn mừng tuổi trẻ em, cầu chúc năm mới sức khỏe và bình an.