Khi những cơn gió chướng se se lạnh đi qua, nàng xuân bẽn lẽn trước ngõ mang theo tia nắng ấm áp sưởi cành mai chực chờ, len lén hé nụ đón mùa xuân rộn ràng. Xuân về Tết đến, ở mỗi vùng miền trên đất nước có những phong tục, tập quán đón Tết khác nhau. Khi những cánh mai vàng e thẹn bung nụ, nở xòe lung lay trước gió dưới làn nắng ấm là Tết đã về với vùng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân phương Nam đón Tết với nhiều phong tục, tập quán mang đậm hương sắc và đặc trưng của vùng sông nước hữu tình.
Tập quán, phong tục xưa
Hồi còn thời bao cấp, lũ học trò miệt vườn chúng tôi nôn nao chờ đón Tết đến còn hơn mừng mẹ đi chợ về thòm thèm, với bao thứ bánh trái ngoài chợ. Bởi vì, chỉ có mấy ngày Tết, đám con nít mới được mặc áo mới, được người lớn lì xì, được ăn uống “thả cửa” mà không “bị đòn nát đít”. Còn hơn cả tháng trời mới tới Tết nhưng nhà cửa đã được bọn tôi “tự nguyện” dọn dẹp ngăn nắp, vườn tược được làm cỏ sạch sẽ. Tát đìa bắt cá, giở chà bắt tôm càng xanh để ăn dần, có nhiều thì phơi khô, làm mắm chưng, nấu nước mắm đồng, quết bánh phồng tôm đỡ phải tốn kém trong những ngày Tết. Gà, vịt, ngỗng nuôi “thả lan” trong vườn thì lúc nào cũng có sẵn. Năm nào cũng vậy, trước ngày đưa ông Táo về trời, nhà tôi thường tụ tập con cháu, xóm giềng về tổ chức “đi săn” ở những khu rừng hoang để bắt chồn mướp, rái cá, trăn gấm, cua đinh, rùa… bày nấu mấy món “đặc sản rừng” ngon “bá cháy bù chét” mà ăn Tết.
Mua hoa chưng Tết
Đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời. Trong khi chuẩn bị xong cơm chiều, gia đình tôi cũng chuẩn bị mâm bàn để “đưa” ông Táo về trời. Người miền Tây có quan niệm, ông Táo là vị thần giữ lửa trong bếp nhà, ghi lại việc làm hàng ngày của gia đình, mỗi năm sẽ về trình báo với Ngọc Hoàng những điều mà chủ nhân đã làm trong một năm qua để thưởng phạt công minh.
Vào ngày 25 tháng chạp là ngày “tảo mộ”: Làm cỏ, sơn phết mồ mả gia tiên, cúng bái xong rồi ăn uống tại chỗ, không đem vật gì về nhà hết. Theo quan niệm của người miền Tây, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nên trong mấy ngày Tết cũng có tục “kiêng kỵ” nhiều thứ, với hy vọng cầu mong khởi đầu của năm mới được suôn sẻ. Do đó, trước ngày 29 Tết, tất cả các lu gạo, khạp chứa nước, hũ muối cùng các lọ chứa gia vị khác phải được đổ đầy để mong muốn một năm mới được đủ đầy.
Sóc Trăng trang hoàng đón Tết
Trang trí đón Tết ở Kiên Giang
Trong ngày đón giao thừa, mọi người đều mặc bộ quần áo mới, tắm rửa sạch sẽ, tiền nong để trong túi với hy vọng cả năm đều mới mẻ và tiền đầy túi. Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”, khói hương trên bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút.
Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà, tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh phồng, bánh tráng con gà trống luộc.
Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Cúng tế để tiễn đưa năm cũ và đón năm mới. Đêm 30 Tết là lúc vui nhất, mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… rất huyên náo nhưng ấm cúng.
Mùng 1 Tết là ngày đầu năm mới, mọi người mặc đồ mới đi lễ chùa cầu quốc thái dân an, gia đình làm ăn phát đạt. Ba ngày Tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành, đặc biệt là chúc Tết và trao bao lì xì đỏ lẫn nhau. Ngày mùng 3 Tết thì làm lễ “đưa ông bà” cùng với cúng tiễn binh gia, vong linh những người đã khuất về chốn cũ.
Gia đình tôi khi cúng mùng 3, thường làm chiếc bè chuối to trang hoàng lộng lẫy như một “chiến thuyền” với hình nhân, vũ khí các loại, cúng bộ thủ vĩ heo hoặc con gà trống luộc và thả trôi theo con nước ròng xuôi ra sông lớn. Đám con nít tụi tôi hay nghịch ngợm, phá phách, bơi theo “cướp cống phẩm” trên “chiến thuyền” rồi chia nhau ăn làm huyên náo cả khúc sông vắng. Người lớn hay la mắng không cho làm vậy vì sợ “phạm thượng” nhưng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà, chắc chẳng ai nỡ trách quở gì đâu!
Chợ hoa Xuân
Hoa Tết đặc trưng tại miền Bắc là hoa đào còn tại miền Nam là hoa mai. Trên hầu hết các con đường khắp miền sông nước có thể dễ dàng bắt gặp những chậu hoa mai lớn, có những gốc cây hàng chục năm được người bán đem trưng bày. Những gốc mai có giá hàng trăm triệu hay hàng tỉ đồng được người mua vây quanh nhìn ngắm. Ngoài ra, các loại hoa giấy đủ màu sắc, hoa vạn thọ, hoa đồng tiền, hướng dương, hoa cúc… được rất nhiều gia đình lựa chọn để trang hoàng nhà cửa dịp Tết, với ước muốn may mắn trong năm mới. Mỗi tỉnh, thành ở miền Tây đều dành riêng không gian cho Chợ hoa Xuân bắt đầu bày bán từ cuối tháng 11 âm lịch đến chiều 30 Tết. Có năm “dội chợ” đến chiều 30 Tết, xả hàng bán lỗ vốn hoặc đổ xuống sông bỏ, khỏi phải tốn tiền thuê chở về, ngoại trừ những cây cảnh có giá trị cao.
Chợ Tết trên sông
Bên cạnh chợ hoa, ở đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều chợ nổi, với phương thức mua bán giống nhau. Trên “cây bẹo” treo món gì thì ghe hàng bán thứ đó, chợ trên bờ có cái gì thì chợ dưới sông có cái đó. Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng; Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè; Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy với Tình anh bán chiếu; Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm, Cái Côn; Kiên Giang có chợ nổi Chắc Băng, Vĩnh Thuận; Vĩnh Long có chợ nổi Trà Ôn gắn liền danh ca Út Trà Ôn… nức tiếng cả vùng. Tuy nhiên, khi du khách đến miền Tây thường chỉ biết đến chợ nổi Cái Răng do gần trung tâm Cần Thơ hơn, nhưng vẫn có nhiều chợ nổi lớn hơn, sầm uất hơn.
Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ vào xuân
Nhóm chợ trên sông gọi là chợ nổi, thực ra đây là nét văn hóa rất riêng “đặc trưng” ở miền Tây Nam Bộ có từ rất lâu đời, bởi cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với sông nước nên chợ Tết trên sông cũng giống như các chợ Tết trên bờ khác, chợ họp từ rất sớm, trên những chiếc xuồng ghe nối đuôi nhau người mua kẻ bán tấp nập, náo nhiệt. Thậm chí, chỉ cần bước trên những chiếc ghe hàng đậu kín sông là qua bên kia bờ, không cần phải đi đò. Chợ Tết trên sông bán rất nhiều đồ ăn, thức uống, nhiều loại hoa đủ màu sắc, hương thơm, nhiều loại trái cây, bánh mứt. Tiếng rao lanh lảnh của người này xen lẫn tiếng trả giá mua hàng ồn ào của người kia tạo nên không khí rộn rã rất miền Tây.
Mâm ngũ quả
Trên mâm ngũ quả của người miền Tây thường gồm các loại trái tượng trưng cho “cầu vừa đủ xài sung” (mãng cầu, trái dừa, đu đủ, trái xoài, trái sung); có gia đình thay trái sung bằng trái sang hay trái dư, vì nó “sang trọng, dư dã” hơn sung túc. Đặc biệt, mâm ngũ quả không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó, “chúi nhủi”, không hên. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu” hay “cam khổ”.
Mâm ngũ quả
Ngoài ra, trên bàn thờ gia tiên của nhà nào cũng đều có cặp dưa hấu đỏ. Dưa hấu lựa chưng Tết là dưa hấu quả tròn, đều, hai quả phải cân xứng nhau. Ngày nay, dưới sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của những người bán, quả dưa hấu được trang trí đẹp và ý nghĩa hơn với chữ khắc trực tiếp lên vỏ, như: Phúc, Lộc, Thọ, Như Ý, Cát Tường... một số quả có hình vuông, hình trái tim theo khuôn mẫu có sẵn mà lựa chọn.
Mâm cỗ ngày Tết
Mâm cỗ Tết của người miền Tây Nam Bộ thường có nhiều “đồ nguội” do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có mấy món cơ bản là bánh tét, bánh phồng và nồi thịt heo kho riệu cùng dưa cải muối, củ kiệu để ăn “cho đỡ ngán” trong mấy ngày Tết. Riêng bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác. Tùy vùng mà có cách gói bánh tét với nhân khác nhau. Miệt nước nổi Đồng Tháp thì nhân đậu hoặc đậu mỡ; miệt đất phèn Hậu Giang thì nhân chuối hoặc chuối mỡ; miệt vườn Vĩnh Long thì nhân chuối đậu mỡ; miệt giồng cát Trà Vinh thì bánh tét lá cẩm với nhân thập cẩm hoặc nhân riêng lẻ. Mỗi loại nhân bánh tét có hương vị khác nhau do cách trộn nếp và nêm gia vị vào nhân bánh tùy vào khẩu vị từng vùng. Gần đây, người ta còn “chế biến” thêm vào nhân bánh nào là thịt heo ba chỉ, hột vịt muối, lạp xưởng…
Người miền Tây, dù giàu hay nghèo cũng không thể thiếu những món ăn ngày Tết truyền thống vốn có từ lâu đời. Món thịt heo kho riệu được kho “hai lửa” bằng nước dừa xiêm với hột vịt. Đây cũng là món khoái khẩu của tía tôi, nhưng ông chỉ thích ăn mỡ, không thích ăn thịt. Tía nói: "Ăn thịt xảm xì còn thua ăn da trâu kho nước mắm đồng". Tôi cũng giống tía ở điểm này, cũng chỉ thích ăn mỡ, còn thịt thì nhường cho vợ con ăn.
Bên cạnh món thịt heo kho riệu ăn với củ kiệu hay dưa cải thì trong mấy ngày Tết không thể thiếu món canh khổ hoa dồn thịt hầm với ý nghĩa năm mới mà ăn canh hầm này thì “cái khổ” sẽ đi qua. Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mùng 2, sáng ngày mùng 3 trở đi sẽ ăn cùng các món khác như gà, tôm, cá chế biến đủ kiểu, khô cá lóc và tôm khô trộn củ kiệu…
Các món bánh mứt
Các món bánh mứt ngày Tết ở miền Tây thì nhiều vô số, bởi các loại cây trái nơi đây vô cùng phong phú, mỗi loại lại cho ra đời một món mứt Tết thơm ngon, riêng biệt. Nhà tôi ở miệt vườn nên trồng dừa rất nhiều. Năm nào ngoại và má tôi cũng làm một mẻ mứt dừa, một ít mứt chuối, mứt mãng cầu xiêm, mứt gừng, mứt tắc… do là “cây nhà lá vườn” không tốn kém mấy, vừa có cái để đãi khách vừa biếu họ hàng, chòm xóm ăn lấy lộc đầu năm.
Riêng mứt dừa được làm từ cơm dừa cứng cạy, bào mỏng, rửa sạch và để ráo nước, ướp đường độ một đến hai giờ rồi đảo liên tục trên chảo với lửa liu riu, khi nào thấy khô mới bắc xuống. Ngoài vị dừa cơ bản vốn đã béo bùi, người ta còn cho thêm sầu riêng để mứt có thêm hương nồng nàn. Để cho món mứt thêm đẹp người ta thêm vào màu vàng của sầu riêng, màu xanh của lá dứa, tim tím lá cẩm hoặc củ dền, màu đỏ cam của gấc…
Nồi thịt kho hột vịt
Những phong tục, tập quán cổ truyền của người miền Tây Nam Bộ vào dịp Tết bây giờ dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Giờ đây, đâu còn mấy nhà tự quết bánh phồng “cắc cùm cum”, phơi nắng rồi nướng cúng giao thừa; hay có nhà nào chịu cực khổ thức khuya dậy sớm mà tráng bánh tráng ướt trộn nhân đậu xanh dừa nạo rắc chút mè đen rang ăn tại lò nóng hổi “vừa thổi vừa ăn”. Tất cả ngoài chợ, siêu thị đã có…, nhưng làm sao bằng tự tay mình làm nên không còn ngon “đáo để” nữa.
Về miền Tây ăn Tết sẽ còn chiêm nghiệm và thưởng thức nhiều điều thú vị đến không ngờ khác. Ngoài các nghi lễ truyền thống trong mấy ngày Tết phải thực hiện, bạn bè “hú hí” nhau qua miệt cồn ăn trái cây chín mọng còn đung đưa trên cành; đi câu tép bằng cọng dừa, bắt cá bống bằng gáo dừa; thụt hang bắt cá ngát nấu canh chua bần; trượt mông bắt cua, cá thòi lòi…, rồi “lai rai” với nhau vài ngụm “nước mắt quê hương”, hít hà, vỗ đùi cái chát thì còn gì sung sướng bằng.
Chậu mai vàng
Bây giờ có nhiều sinh hoạt đồng quê vào dịp Tết ở miền Tây đã đi vào ký ức, nhưng những nét đặc trưng nhất trong các phong tục, tập quán thì vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa truyền thống rất riêng, rất miền Tây; tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và vùng đất miền Tây Nam Bộ kỳ thú nói riêng.