Cũng như miền Bắc và miền Nam, phong tục đón Tết miền Trung cũng có những đặc trưng rất riêng. Bạn là người miền Trung hay có dịp ghé miền Trung ăn Tết xuân này thì cùng Savaco Tourist tìm hiểu những điều thú vị trong ngày lễ cổ truyền qua bài viết dưới đây nhé!
HOA MAI – BIỂU TƯỢNG TẾT MIỀN TRUNG
Hoa mai không chỉ là loài hoa biểu tượng cho Tết miền nam mà còn cả miền Trung nữa. Mặc dù không nhiều và rộn ràng như khu vực từ Thành phố Hồ Chí Minh trở vào, nhưng bạn cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những chậu hoa vàng tươi tràn ngập trên các con phố.
Hoa mai miền Trung thì nhỏ hơn so với miền Nam. Thay vì trưng trong các chậu cây rồi trang trí cầu kỳ, người miền Trung lại chuộng sự đơn giản hơn. Họ thường trồng hoa ngay trước lối đi vào nhà hoặc là cắm thêm vài nhánh nhỏ trên bàn thờ cho không khí xuân đậm từ nhà ra cửa. Nhắc đến ý nghĩa của hoa mai thì khỏi phải bàn rồi. Ngày xuân miền Trung thiếu mai thì buồn đi nhiều lắm.
MÂM NGŨ QUẢ RỰC RỠ
Mâm ngũ quả trong phong tục đón Tết miền Trung có nhiều điểm chung với miền Bắc.
Cũng có chuối, có bưởi là hai loại trái cây chính. Những trái còn lại hầu như người dân ở đây tự chọn các loại sẵn có ở địa phương. Khi thì thanh long, khi thì nho hay dưa hấu…
Bày biện không cần mấy cầu kỳ, cứ làm sao trông đẹp với đầy tràn là được.
MÂM CỖ TẾT MIỀN TRUNG
Người miền Trung tuy giản dị là vậy nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về cũng không thể không trau chuốt. Các món chính ăn kèm với cơm bao gồm gà quay, heo quay, bò nấu thưng, củ cải kho thịt heo… Để cho đỡ ngán, người miền Trung chuẩn bị thêm trên mâm cỗ nem chua, thịt giấm nhằm kích thích vị giác.
Ngoài ra, nổi bật nhất trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung là thói quen ăn các món cuốn. Khi thì cuốn thịt luộc, khi lại cuốn tai heo… kèm theo đó là đủ các loại rau, chấm cùng với mắm nêm đậm đà tự làm nữa là ngon số một.
BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT
Từ năm 1802, sau khi đất nước được thống nhất dưới thời Gia Long, bắt đầu có sự kết hợp văn hóa cổ truyền của đất Bắc và văn hóa mới phong phú của vùng đất mới phương Nam.
Do đó, ngày Tết ở miền Trung họ gói cả bánh chưng và bánh tét. Bánh chưng ở miền Trung thì thường được gói bé hơn chiếc bánh chưng ngoài Bắc và đặc biệt ít nhân hơn. Bánh tét thì giống như trong miền Nam, tuy nhiên, món bánh này lại không được dùng làm quà biếu trong những ngày đầu năm như ở miền Nam, bởi tên gọi “đòn bánh tét” nghe như đòn roi (Trẻ con miền Trung ngày xưa, mỗi khi lỡ ham chơi lêu lổng, bị cha mẹ la rầy kêu về, nghe câu dọa: “Đi mau về nhà được ăn bánh tét” thì hồn vía lên mây).
MỘT SỐ PHONG TỤC KHÁC
Cũng như miền Bắc, sáng 30 Tết những người đàn ông trong gia đình sẽ ra mộ để dọn dẹp và thắp hương mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Chiều 30 Tết, hầu hết các gia đình miền Trung đều sum họp quây quần bên mâm cơm tất niên. Lúc ăn thì họ ăn cả bánh chưng và bánh tét nhưng đặc biệt trên mâm cúng gia tiên thì chỉ có bánh chưng.
Ở miền Trung sáng mùng Một, mọi người sẽ đi xông đất. Thường thì họ sẽ nhờ những bậc trưởng bối có vai vế trong khu hoặc những đứa trẻ thông minh, lanh lợi qua đạp đất nhà mình chứ không cần câu nệ về tuổi tác như miền Bắc.